Tư vấn hướng nghiệp, đào tạo
nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên khu vực nông
thôn đang là một yêu cầu bức thiết đòi hỏi Đoàn phải có những giải pháp hỗ trợ
cụ thể hơn nữa.
Thanh niên được hướng nghiệp,
phối hợp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp sẽ góp phần nâng cao chất
lượng, tạo sự cân bằng nguồn lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh.
* Chọn nghề phù hợp
Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh đoàn
phối hợp với Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp
đã tổ chức thành công chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là đoàn
viên thanh niên (ĐVTN) các trường THPT trong toàn tỉnh. Việc tổ chức các đợt tư
vấn tuyển sinh đã giúp định hướng cho ĐVTN trước khi kết thúc 12 năm học trên
ghế nhà trường phổ thông để đưa ra được những quyết định đúng đắn cho tương lai.
![]() |
Nhiều thanh niên sau khi học nghề sửa chữa thiết bị tin học có việc làm ổn định tại Công ty cổ phần Tin Việt Tiến. |
Anh Bùi Minh Sang là đoàn viên xã
Quảng Tiến (huyện Trảng Bom), sau khi học hết lớp 12 vì điều kiện gia đình khó
khăn nên bản thân không thể tiếp tục học lên đại học. Làm thế nào để học được
một nghề phù hợp và có thu nhập ổn định là câu hỏi lớn đặt ra với anh. Chính vì
vậy, khi được Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Niên giới thiệu vào học việc
tại cơ sở sửa chữa điện lạnh Trí Tài ở TP.Biên Hòa, anh rất mừng vì công việc
phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Thu nhập của anh Sang cũng được nâng
dần trong quá trình làm việc, từ 1,8 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Sang cho biết, anh sắp hoàn thành chương trình học trung cấp nghề điện tại
Trường trung cấp nghề 26-3 và dự định về mở một tiệm sửa chữa điện nhỏ cho mình.
Trong khi đó, anh Bùi Đức Thịnh
là đoàn viên phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh) cho biết, sau khi hoàn thành
nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nhờ chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí của
Nhà nước, anh đã đi học nghề sửa chữa điện dân dụng tại Trường cao đẳng nghề
Đồng Nai. Sau 2 năm học tại trường trở về địa phương, anh Thịnh được Ngân hàng
Chính sách xã hội TX.Long Khánh cho vay 15 triệu đồng để mở tiệm sửa chữa đồ
điện. Nhờ được học hành bài bản và sự yêu thích nghề sửa chữa điện, nên tiệm
của anh Thịnh thường xuyên có đông khách và đã đem lại thu nhập ổn định để anh
tự nuôi sống bản thân và gia đình.
* Phát huy lợi thế của đoàn
Chị Lê Thị Ngọc Loan, Phó bí thư
thường trực Tỉnh đoàn cho biết, Đoàn có nhiều lợi thế cần phát huy trong việc
tổ chức tư vấn hướng nghiệp, phối hợp đào tạo và giải quyết việc làm cho ĐVTN.
Việc định hướng nghề nghiệp cho ĐVTN đã được đẩy mạnh trong những năm qua,
trước hết là tư vấn định hướng nghề nghiệp cho ĐVTN là học sinh các trường
THPT. Đối với ĐVTN khu vực dân cư, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến
nông tỉnh tổ chức được 690 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,
chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ĐVTN. Quỹ “Vì người bạn tòng quân” của Tỉnh
đoàn đã trao số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng cho bộ đội xuất ngũ học nghề và phát
triển sản xuất.
Theo anh Tăng Quốc Lập, Phó bí
thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, đồng hành với thanh niên
trong định hướng nghề nghiệp và việc làm là nội dung rất được quan tâm và có sự
phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành trong tỉnh, như: Sở GD-ĐT, Lao động -
thương binh và xã hội, Công thương, Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Ngân
hàng Chính sách xã hội Đồng Nai. “Tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới
thiệu việc làm cho thanh niên cũng là một trong những nội dung của kế hoạch
Đoàn Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới”- anh Lập cho biết thêm.
Chị Bùi Thị Bích Thủy, Phó bí thư Tỉnh
đoàn cho biết, thời gian tới Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai đề án thành lập
Trung tâm hỗ trợ thanh niên và lao động trẻ, đẩy mạnh khai thác hiệu
quả Trường trung cấp nghề 26-3 để dạy nghề cho thanh niên. Mục tiêu trong 5
năm tới là: Toàn tỉnh tư vấn hướng nghiệp cho trên 250 ngàn ĐVTN, giới thiệu
việc làm cho 150 ngàn ĐVNT.
|
Anh Trần Hoàng Sự, Phó bí thư
Huyện đoàn Nhơn Trạch cho rằng, nhu cầu được tư vấn, hướng nghiệp đào tạo nghề
và giới thiệu việc làm cho ĐVTN khu vực nông thôn hiện nay là rất lớn. ĐVTN sẽ
có thu nhập ổn định cho cuộc sống nếu được học nghề bài bản trước khi đi làm
thay vì đi làm “chay” như hiện nay. Do đó, Đoàn cũng cần thể hiện vai trò tiên
phong hơn nữa trong việc định hướng, đặc biệt là định hướng cho những ĐVTN có
điều kiện được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với hoàn cảnh kinh tế
của gia đình, nhất là những thanh niên mới xuất ngũ… “Khi được Đoàn - Hội tư
vấn, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm ổn định, thanh niên sẽ đến với Đoàn
ngày một nhiều hơn” - anh Trần Hoàng Sự nhận định.
Trong khi đó, Th.S Trần Văn Tiến,
Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề 26-3 (trực thuộc Tỉnh đoàn) cho biết, trường
đã và đang được đầu tư hiện đại về cơ sở vật chất, trong đó có các phòng học,
máy móc dạy nghề và nhà xưởng thực hành. Mỗi năm, trường có quy mô đào tạo trên
400 học sinh ở 7 nghề, trong đó có nhiều ngành dễ tìm việc làm. Học viên là bộ
đội xuất ngũ, con em gia đình chính sách, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn sẽ
được miễn giảm học phí và giới thiệu vay vốn để học nghề.
0 nhận xét:
Speak up your mind
Tell us what you're thinking... !